Hoa lan – từ lâu nay đã được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa bởi nét đẹp kiêu kỳ, cùng dáng dấp thanh nhã và sự đa dạng về chủng loại. Chính vì sở hữu những nét riêng biệt đó, nên để trồng và chăm sóc cho lan không hề dễ, đặc biệt là với những người mới bắt đầu trồng. Đến nay loài người đã biết được trên 750 chi với 25.000 loài lan tự nhiên và 75.000 loài lan do kết quả chọn lọc và lai tạo.
Các loại Hoa Lan
Riêng ở Việt Nam, có hàng trăm loại hoa lan được trồng rộng rãi trên khắp cả nước.
Hoa lan có ba môi trường sống để chúng ta có thể phân biệt rõ và hiểu hơn :
- · Địa lan: cây lan sống trong đất hoặc trong giá thể có đặc điểm gần như đất
- · Phong lan: cây lan sống trong không khí.
- · Bán địa lan: cây lan có thể sống trong môi trường không khí và trong đất
Ở Việt Nam có một số loài hoa lan nổi bật và được trồng nhiều nhất. Cùng tìm hiểu nhé!
Lan Vũ Nữ
Sở dĩ nó có tên Vũ nữ vì khi nở hoa những đóa hoa mềm mại bay phất phới trong gió như vũ công múa ba lê trông rất duyên dáng. Đây là một giống lan đẹp ít sâu bệnh, rất dễ trồng và chăm sóc nên được trồng phổ biến nhất trong các loài lan. Hiện nay giống lan này khá đang dạng về chủng loại và màu sắc, trong đó có thể kể đến: Vũ nữ bút chì, Vũ nữ mèo hoang, Vũ nữ hoa đỏ,…
Chậu hoa Lan đẹp
Lan Dendro
Đây là loại lan được nhiều người yêu thích vì giống hoa này có nhiều màu sắc khác nhau và cũng dễ chăm sóc hơn các loài hoa khác. Loài hoa này thường được trồng trong chậu để treo ở các quán cafe, hành lang để trang trí làm cảnh rất đẹp. Hiện nay Dendro được trồng chủ yếu được chia làm hai loại và Dendro nắng và Dendro màu. Dendro màu được áp dụng khá phổ biến trong sản xuất quy mô lớn với mục đích cắt cành. Dendro nắng được dùng chủ yếu làm trang trí bởi nét hoa độc đáo, bay bổng và đa dạng.
Lan Phi Diệp Tính
Còn có tên gọi khác là Lan Giả Hạc là giống phong lan rừng nổi tiếng bởi có hương thơm lâu ngào ngạt nồng nàn sẽ làm say lòng những người ngửi nó. Hoa có nhiều màu như tím hồng, tím thẫm, tím trắng, khi nở hoa tạo thành từng lẳng rũ thòng xuống trông rất sang trọng, chỉ cần một khóm lan nở sẽ toả hương khắp khu vườn, hoa nở vào mùa xuân và thời gian hoa tàn là 7-10 ngày.
Lan Hồ Điệp
Vốn dĩ hoa có tên gọi như vậy là vì khi nở cánh hoa có hình thù nhìn giống như những con bướm đang bay lượn.
Lan Vanda
Lan Vanda có những cánh hoa, dày, tròn và màu sắc sặc sỡ. Loại hoa này thường đặt ở những nơi có nhiều ánh sáng để cung cấp đầy đủ ánh nắng mặt trời. Đây là loài cây thích nước nên nếu chăm sóc đầy đủ cây sẽ phát triển rất tốt. Lan Vanda có màu sắc rực rỡ tạo vẻ đẹp sang trọng và yêu kiều.
Lan Tam Bảo Sắc
Loại Tam Bảo Sắc rất dễ tìm kiếm tại các chợ hoa do đặc tính dễ trồng và phổ biến rộng rãi. Về kỹ thuật trồng đã được con người cắt ghép và nuôi trồng từ rất lâu. Thời gian chăm sóc ngắn khoảng từ 11 đến 13 tháng.Màu sắc hoa thường là màu trắng pha tím. Tuy nhiên, phần trắng chiếm nhiều hơn và chỉ có một ít tím nằm ở ngoài rìa của cánh hoa. Hoa mọc cánh cong chứ không theo bất cứ khung hình nào.Trung bình một cây hoa Lan Tam Bảo Sắc nếu tính đầy đủ rễ và lá sẽ dài khoảng từ 15 đến 20cm. Để phát triển nhanh hơn thì có thể phun thêm thuốc để kích thích cây mọc, tuy nhiên không nên quá lạm dụng.
Phía trên là một số loại hoa lan mà chúng tôi gợi ý cho bạn. Vừa đảm bảo hình dáng, màu sắc của hoa rất đẹp, rất phù hợp với những người có sở thích sưu tầm hay trồng hoa lan, vừa dễ trồng lại vừa đẹp mắt.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan
Cách trồng hoa phong lan
Đầu tiên bạn cho giá thể trồng lan vào khoảng 1/5 chậu, giá thể có kích thước lớn bạn đặt ở dưới, giá thể có kích thước vừa và nhỏ ở trên. Bạn nhớ giữ cho chiều cao giá thể trong chậu so với mép chậu thấp hơn khoảng 1 - 2 cm nhé.
Khi trồng hoa phong lan đa thân, bạn nên cắm một chiếc cọc nhỏ ở mép chậu để giúp giữ vững cành lan. Còn nếu bạn trồng hoa phong lan đơn thân thì bạn cắm cọc ở giữa chậu. Sau đó bạn cố định lan vào cọc bằng dây.
Bạn không nên đặt phần gốc cây phong lan nằm sát dưới đáy chậu nhé.
Khi lan còn non bạn nên thiết kế cho phong lan một giàn che nắng để tránh cây bị héo. Đến khi rễ non phát triển thì bạn tháo bớt giàn ra nha.
Cách chăm sóc hoa phong lan
Phong lan không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc.
Về ánh sáng: Hoa phong lan là loài không cần quá nhiều ánh sáng mặt trời nên bạn chỉ cần cho lan tắm nắng vừa phải để giúp cây quang hợp tốt là được.
Về nhiệt độ: Phong lan thích hợp với nhiệt độ từ 20-25 độ C, và mỗi loài sẽ thích hợp với một mức nhiệt khác nhau nên muốn cây non sinh trưởng, phát triển bình thường bạn không nên để nhiệt độ thấp quá nha.
Về độ ẩm: Phong lan phát triển tốt nhất ở môi trường có độ ẩm dao động từ 40 60 %. Bạn nên mua dụng cụ đo độ ẩm để kiểm soát tốt nhất độ ẩm trong môi trường trồng phong lan nhé.
Về nước tưới: Bạn nên sử dụng nguồn nước không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, các tạp chất và tưới nước từ 1-2 lần/ tuần để tránh tránh tình trạng cây bị úng rễ nhé.
Cắt tỉa: Việc cắt tỉa bớt cành lá thừa và những cành đã có hoa héo tàn giúp dinh dưỡng tập trung vào hoa để hoa phát triển tốt hơn.
Bón phân: Bạn nên chọn bón cho cây phân NPK 20–20–20 cùng với một số loại phân hữu cơ khác để bón thúc sau khi đã cắt tỉa. Sau vài tháng, bạn tiến hành bón thúc tiếp để cây có thể mau ra hoa và có thể bón xen kẽ phân NPK 20–20–20 hoặc 10–30–30.
Trên đây là các loại hoa Lan ở Việt Nam cũng như cách trồng và chăm sóc hoa Lan mà Hoa Đẹp 365 đã chia sẻ cho bạn. Nếu cần các mẫu hoa Lan đẹp tặng khách hàng, người thân hãy liên hệ chúng tôi để có những chậu hoa Lan đẹp
Viết bình luận
Bình luận